Chào diễn đàn Việt Hiphop, tôi là thành viên mới. Tuy không phải một nhân vật có vị trí và vai trò trong Việt rap, tôi - một rap fan, đã nghe rap gần 20 năm, trải nghiệm âm nhạc thuộc nhiều school/genre/subgenre/microgenre khác nhau ở ba thị trường chính là US, UK và Việt Nam. Tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu hàn lâm lẫn đại chúng về các khía cạnh khác nhau của nhạc rap, bao gồm: văn hóa; kỹ thuật; lịch sử. Vậy nên qua một thời gian dài tiếp xúc với nhạc rap Việt Nam, tôi nhận ra có một bộ phận rất lớn trong cộng đồng Việt rap (bao gồm cả rapper và rap fan) đang hiểu sai về định nghĩa "skill" (kỹ năng) trong nhạc rap. Hôm nay, tôi xin mạn phép sử dụng những kiến thức có được thông qua việc tìm hiểu những tài liệu về kỹ thuật và những đúc kết tôi có được nhờ việc quan sát cách các rapper ở US (cái nôi của hip-hop và nhạc rap) sử dụng từ "skill". Bên cạnh đó, tôi cũng xin phép được đưa thêm những phân tích của cá nhân tôi vào bài viết nhằm làm rõ những ý tưởng của mình.

Bài viết nhằm mang đến những góc nhìn mới có giá trị tham khảo cao, hướng đến việc cải thiện những lỗ hổng trong kiến thức của cộng đồng thông qua tranh luận lành mạnh có dẫn chứng và phân tích. Tôi không viết để tái định nghĩa bất kỳ một đối tượng nào của thể loại và văn hóa này.

Lưu ý: Trong bài viết, đôi khi tôi sẽ sử dụng các cụm từ "cộng đồng Việt rap" hoặc "Việt rap". Xin hiểu rằng tôi không chỉ toàn bộ các cá thể trong cộng đồng. Nhưng trong phạm vi bài viết, tôi xin phép sử dụng cụm từ này hoặc "Việt rap" để chỉ một bộ phận lớn đang hiểu sai về "rap skills".

1. Định nghĩa "skill" và "rap skills":

Đầu tiên, chúng ta cần biết định nghĩa của "skill" hay "kỹ năng" là gì. Theo từ điển Oxford, "skill" có hai định nghĩa:

1. "the ability to do something well": khả năng làm một việc gì đó tốt.
Vd: "The job requires skill and an eye for detail." ("Công việc này đòi hỏi kỹ năng và một đôi mắt biết chú ý tiểu tiết.")

2. "a particular ability or type of ability": một khả năng cụ thể hoặc một loại khả năng.
Vd: "Leadeaship skills" ("Những kỹ năng lãnh đạo")


Định nghĩa "skill" theo từ điển Oxford.

Vậy từ "rap skills" cũng tương tự như ví dụ về từ "leadership skills" và sẽ được dịch là "những kỹ năng rap". Xin lưu ý rằng từ "skill" được viết ở dạng số nhiều và khi phiên dịch, tôi cũng thêm từ "những" để thể hiện một sự thật rằng rap không chỉ có một loại kỹ năng, đó cũng là lỗ hổng trong tư duy của cộng đồng Việt rap về khái niệm "rap skills".

Về định nghĩa của từ "skill" trong tư duy của cộng đồng Việt rap, tôi không nghĩ rằng họ đang nhầm lẫn các định nghĩa hay thật sự hiểu sai hoàn toàn định nghĩa "skill", tôi nghĩ rằng sẽ chính xác hơn nếu nói họ đang hiểu

chưa đủ về khái niệm "rap skills".

2. "Rap skills" là gì:

"Rap skills", hay "những kỹ năng rap" bao gồm ba nhóm kỹ năng: sáng tác lời (writing/lyrical skills); sáng tác nhịp/giai điệu (flow); truyền đạt cảm xúc (delivery). Mỗi nhóm kỹ năng bao gồm nhiều kiến thức và kỹ thuật khác nhau. Cách phân chia và cách gọi này được tôi lấy nguồn từ sách "How to Rap" - một tài liệu về kỹ thuật rap tuy đã cũ nhưng vẫn có giá trị cao trong việc giúp người đọc hình dung các kỹ thuật trong thể loại nhạc này.


Mục lục ba nhóm kỹ năng chính trong rap. Nguồn: How to Rap


Qua mục lục (hình trên), chúng ta cũng có thể phần nào hình dung được sự đa dạng và phức tạp của những kỹ năng rap. Phải nói thêm rằng "How to Rap" không đề cập đến "melodic rap" - một subgenre mới được đặt tên gần đây trong khi thật ra đã xuất hiện từ thế kỷ trước, nghĩa là nếu "How to Rap" được viết vào năm 2020 thì có thể chúng ta sẽ có thêm những nhóm kỹ năng khác.

3. "Rap skills" bị hiểu sai thế nào?:

Cộng đồng Việt rap thường nhắc đến khái niệm "rap skills" hay "skill" để ám chỉ khái niệm "lyrical skills". Theo tôi, kỹ năng sáng tác bao gồm những phép tu từ như chơi chữ (wordplay), ẩn dụ (metaphor), hoán dụ (metonymy), so sánh (comparison), v.v. Trong "How to Rap", những kỹ thuật như chơi chữ, ẩn dụ, hoán dụ và so sánh được liệt vào mục "content tools", hay "công cụ tạo nội dung". Ngoài ra, "lyrical skills" phải bao gồm cả những kỹ thuật chọn lọc từ ngữ, sử dụng từ chính xác với ý nghĩa, sắp xếp từ ngữ thành câu trọn vẹn về ý mà vẫn giữ được sự trữ tình, v.v.

Tôi xin đưa ra hai dẫn chứng, một từ rapper và một từ đại chúng, cho thấy cộng đồng Việt rap thường sử dụng sai từ "skill":

+

Bài viết của ICD khi kết thúc trận beef với RichChoi có viết: "Meta mới rồi, skill/ kỹ năng trong rap bây giờ là một kĩ năng mặc định của một rapper, không phải là một vũ khí hạng nặng nữa đâu. Kỹ năng sống (khiêm tốn, giữ lời, biết ơn, biết nhận lỗi,...vv) mới là thứ đỉnh cao mà mỗi con người chúng ta cần phải chinh phục cả đời."

Cần lưu ý rằng xoay quanh trận beef này, khán giả đã tranh cãi rất nhiều về việc sử dụng "lyrical skills" trong battle rap. Trong một đoạn trước đó, ICD cũng sử dụng từ "skill" với ý nghĩa tương tự.

+ Một bài viết mang tiêu đề "Các Skill Trong Rap Gangz" trên diễn đàn Spiderum chỉ liệt kê những kiến thức và kỹ thuật viết lời:


Trong các dẫn chứng trên, tuy rằng cộng đồng Việt rap không dùng từ cụ thể hơn là "lyrical skills", nhưng họ sử dụng từ "skill" với ý nghĩa của "lyrical skills", dẫn đến sự sai lệch dần theo thời gian. Kết quả là khi nói về "skill trong nhạc rap", khán giả hoặc rapper thường nghĩ đến "lyrical skills" đầu tiên. Trong khi thực tế, các kỹ năng khác như "flow skills", "delivery skills", "performance skills" đều là "skill".

4. Tác hại:

Việc sử dụng từ "skill" với ý nghĩa của "lyrical skills" đã để lại một lỗ hổng trong tư duy của cộng đồng Việt rap khi họ chỉ chú trọng "lyrical skills". Vì khi sử dụng từ theo cách sai lệch như vậy, hành động đó cũng ảnh hưởng đến ý nghĩa của từ trong chính ý nghĩ của chúng ta.

Giả sử: khi một rapper chơi chữ, họ sẽ được khen là "có skill", nhưng một rapper có thể rap nhanh thì không được khen như vậy mà chỉ được khen là "một rapper fast flow hay". Nhưng thực tế, "fast flow" là một "skill".

Sự sai lệch trong việc sử dụng từ ngữ và tư duy về từ này đã gây ra sự mất cân bằng giữa các kỹ năng rap trong cộng đồng Việt rap. Thời kỳ cộng đồng Việt rap đề cao "punchline" đến mức gần như không còn quan tâm đến các kỹ năng như "flow" và "delivery" là một ví dụ điển hình. Theo quan điểm của tôi, MC ILL đã không phải một "skillful rapper" (một rapper đầy kỹ năng) cho đến khi anh phát hành "Hồng Lâu Mộng" - nơi anh đã thể hiện đầy đủ ba nhóm kỹ năng ở một trình độ cao. Trước đó, "Truyện Cổ Grimm" chỉ có "lyrical skills" đạt điểm xuất sắc, còn những kỹ năng như "flow" hay "delivery" đều dưới trung bình hoặc ở mức trung bình. Ngoài ra, MC ILL đã chỉ thể hiện được khả năng sử dụng "content tools" chứ không thể hiện trọn vẹn được "lyrical skills" của anh, chính lý do đó đã mang lại cảm giác khô khan theo kiểu học thuật trong âm nhạc của MC ILL ngày trước. Một ví dụ điển hình cho việc đó là hai câu rap sau:

"Bài này lạnh chứ đéo có ẤM, nhưng vẫn thừa CHÉN mày
Trói cả họ mày bên hồ Giảng Võ rồi lấy xe máy chèn."

- MC ILL, "Truyện Cổ Grimm".

Hai câu trên thể hiện khả năng sử dụng các phép chơi chữ (lạnh-ấm và ấm-chén), nói lái (chén mày-máy chèn) rất tốt. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn không có giá trị sát thương. Hoặc câu rap "Đời mày hư cấu như phim, mày nên đổi tên thành Cinemax." cũng vậy. Thực tế, Cinemax là một kênh phim lớn và có sức ảnh hưởng lớn tới văn hóa đại chúng, tôi nghĩ rằng câu rap này sẽ bị bẽ gãy dễ dàng ở thời điểm hiện tại. Điều đó cho thấy MC ILL bấy giờ đã không thật sự để tâm đến việc chọn lọc hình ảnh mà chỉ chú trọng chơi chữ. Rất có thể anh chỉ muốn thể hiện kỹ thuật chứ không có ý định tấn công ICD và M.A.X.

Sau đó, anh đã cải thiện rất nhiều khi chuyển sang nghệ danh Hưng Cao và chú trọng việc thể hiện cảm xúc nhiều hơn kỹ thuật.

Xin lưu ý giúp tôi rằng tôi không hề có ý công kích MC ILL. Đối với tôi, MC ILL là người có đóng góp rất lớn cho cộng đồng Việt rap nhờ việc truyền đạt những kiến thức và kỹ thuật nâng cao trong battle rap và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Đồng thời, nếu không có MC ILL, cộng đồng Việt rap sẽ phải đợi thêm một thập kỷ để mang acapella battle rap về Việt Nam. Tuy nhiên, định hướng phát triển cộng đồng của MC ILL đã để lại hậu quả trên bởi những thiếu sót khi không truyền đạt đầy đủ, chính xác và sâu sắc nhất có thể về các định nghĩa.

5. Lời kết:

Tôi xin kết thúc bài viết của mình tại đây. Hy vọng bài viết này có thể mang đến những góc nhìn mới bổ ích cho cộng đồng Việt rap.

Xin cảm ơn diễn đàn Việt Hiphop đã tạo nên nền tảng này để tôi có cơ hội được thực hiện bài viết.

Cảm ơn các bạn đã đọc hết.

Chú thích:
- School: Trường phái
- Genre: Thể loại
- Subgenre: Tiểu thể loại
- Microgenre: Vi thể loại (từ tạm dịch)