Dạ lý hương có nguồn gốc từ Tây Ấn ở vùng biển Caribe, được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới trên khắp thế giới như Úc, New Zealand, Nam Phi, Hoa Kỳ, Trung Quốc trong đó có Đông Nam Á. Bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi trồng dạ lý hương vì đây là loài hoa có mùi thơm nồng, nhất là về ban đêm và không phải ai cũng thích mùi của hoa này, thậm chí mùi nồng nàn của hoa có thể gây buồn nôn.

I. Đặc điểm hình thái & sinh trưởng

1. Đặc điểm hình thái

Dạ lý hương có tên khoa học là Cestrum nocturnum, đây là cây bụi thường xanh cao trung bình 1 – 3 mét thậm chí cao tới 4m, có cành mềm, phân nhánh nhiều.

  • Các lá mọc xen kẽ, hình mũi mác hoặc thuôn dài 8 – 18 cm và rộng 2.5 – 5 cm, đầu hơi nhọn, gốc lá hình trái tim, gân phủ đầy lông nhỏ, có 6 – 7 đôi gân bên nhỏ, cuống lá dài 1.5 – 5 cm, hơi có lông. Cuống lá dài từ 1 – 2 cm, phiến màu xanh lá cây nhẵn, mép lá hơi lượn sóng.
  • Hoa mọc thành cụm dạng corymb gồm 20 – 30 hoa, cuống dài 5 – 15 mm có lông mịn, mọc ở nách lá hoặc ngọn, hoa có màu vàng xanh hoặc trắng xanh và không cuống, hình sao dài 3 – 4cm, ống tràng hoa hình phễu hẹp, chia thành 5 thùy hình tam giác thuôn dài 6 mm và rộng 3 mm khi nở. Có 5 nhị hoa thuôn dài, chỉ nhị gắn vào ống, nhẵn. Bầu nhụy không có lông. Thời kỳ ra hoa và đậu quả là vào mùa hè và mùa thu.
  • Quả mọng hình cầu, màu trắng khi non và màu đỏ khi chín, dài 5 – 7 mm và đường kính 4 – 6 mm, chứa 1 hoặc vài hạt hơi dẹt màu nâu sẫm dài ~ 2.5 mm.
Đặc-điểm-hình-thái-&-sinh-trưởng-của-dạ-lý-hương

2. Đặc điểm sinh trưởng

Dạ lý hương là loài cây sinh trưởng nhanh, ưa khí hậu khô, đất tơi xốp, thoát nước tốt, giàu mùn.

II. Tác dụng & ý nghĩa của hoa

1. Tác dụng

Các pháp sư người Nepal tạo hương cho các nghi lễ bằng cách sử dụng lá và hoa, người Maya cổ trộn lá và hoa vào nước nóng để tắm để tránh đổ mồ hôi vào ban đêm. Ở Mexico, chiết xuất được sử dụng để điều trị bệnh động kinh và một số bệnh tâm thần. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, lá được sử dụng để điều trị vết thương do bỏng hoặc sưng tấy còn đối với y học dân gian Philippines, lá được sử dụng như một loại thuốc thảo dược để điều trị co thắt cơ và động kinh.

Hoa có mùi thơm và nở đặc biệt vào ban đêm nên thường được trồng ngắm cảnh và tạo hương. Ở phía Nam Trung Quốc, hoa của nó còn được chiên xào như thực phẩm, hoặc hấp để lấy dầu mè. Hoa và lá cũng có thể dùng làm thuốc giúp thanh lọc gan, sáng mắt, tiêu đờm, chữa viêm kết mạc, suy dinh dưỡng. Người Maya tắm lá và hoa để chống ra mồ hôi trộm, người Mexico chiết xuất từ lá để điều trị bệnh động kinh.

Một số giả thuyết cho rằng đây là một trong những loài thực vật có mùi thơm nồng nàn nhất trên thế giới, có khả năng xua đuổi côn trùng và muỗi. Đối với những người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn thì mùi hương của cây có thể gây khó thở khi hít phải.

Độc tính của cây

Khi quả chưa chín, chúng tạo ra solanine, đây là một loại glycoalkaloid gây ra các tác dụng như tổn thương niêm mạc ruột, hạ huyết áp và rối loạn nhịp tim cũng như ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Khi trưởng thành, hoa tạo ra chất độc kháng cholinergic gây lú lẫn, viêm bàng quang, khô miệng và da.

Mặc dù các trường hợp ngộ độc rất hiếm nhưng nên tránh trồng nó trong nhà có trẻ em và vật nuôi. Các triệu chứng thường xảy ra từ 8 – 12 giờ sau khi ăn, nhưng nhanh nhất là 10 phút sau khi ăn phải. Ngộ độc thường biểu hiện như suy nhược, giãn đồng tử, choáng váng, buồn nôn, nôn, thở không đều thậm chí tê liệt chi dưới,. Liều từ 2 – 5 mg/kg thể trọng có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc và liều từ 3 – 6 mg/kg thể trọng có thể gây tử vong.

2. Ý nghĩa

Hương hoa thơm nồng nàn vào ban đêm khiến nó gắn liền với nhiều câu chuyện huyền bí. Nếu người trồng có con gái thì con gái của người đó sẽ có tấm lòng nhân hậu, ăn nói ngọt ngào và xinh đẹp hơn. Nó còn được cho là sẽ mang lại tình hình tài chính ổn định.

III. Hướng dẫn trồng & chăm sóc cây

Điều quan trọng nhất khi trồng dạ lý hương là phải trồng trong đất thoát nước tốt, ưu tiên đất nhiều mùn và có độ pH trung tính, có thể trộn đất vườn một lượng đất cát nhất định, kết hợp than bùn và phân hữu cơ.

  • Thường xuyên tưới nước để giữ ẩm cho đất nhưng không tưới quá đẫm làm úng nước.
  • Nó không cần bất kỳ loại phân bón đặc biệt nào nhưng bạn có thể bón phân tan chậm 1 tháng/ lần từ tháng 5 – tháng 9, nếu sử dụng phân bón lỏng thì tốt nhất nên bón 1 tuần/ lần.
các-loài-sâu-bệnh-thường-gặp-ở-cây

IV. Phương pháp nhân giống

Nhân giống dạ lý hương chủ yếu bằng cách giâm cành, đôi khi có thể gieo hạt. Đầu tiên chọn cây mẹ có khả năng sinh trưởng và ra hoa tốt, sau đó chọn những cành thẳng, nở nhiều hoa và không bị sâu hại tấn công, cắt dài khoảng 20 – 30 cm và bỏ bớt lá. Đất giâm cành bao gồm vỏ trấu/ mùn cưa, đất vườn tơi xốp theo tỷ lệ 1:3 (thêm phân chuồng càng tốt) rồi cắm cành giâm vào, đặt trong bóng râm cho đến khi ra rễ.

nhân-giống-dạ-lý-hương-bằng-phương-pháp-giâm-cành

admin

Thái Bình Plants (Cây kiểng đẹp) hy vọng rằng thông tin tổng hợp trong bài viết sẽ đem lại những kiến thức hữu ích nhất về cách trồng & chăm sóc cây cũng như giúp bạn hiểu và phân biệt các loài thực vật làm kiểng lá, kiểng hoa, cây ăn quả... Mọi thông tin trên đều là tham khảo và không được phép sử dụng làm mẫu quy chuẩn!